Những kiến thức cơ bản về da mà phái đẹp cần biết
Dù bạn sở hữu làn da nào cũng cần phải chăm sóc thật cẩn thận mỗi ngày. Nhưng để làn da được chăm sóc tốt nhất, bạn cần hiểu rõ những kiến thức cơ bản về da và có những phương pháp phù hợp. Cùng DIVA Academy tìm hiểu đặc điểm của các làn da ngay sau đây nhé!
Kiến thức cơ bản về da
Làn da chính là cơ quan lớn nhất giúp bao bọc cơ thể của con người, chiếm đến 15% trọng lượng cơ thể. Vì vậy, việc hiểu rõ những kiến thức cơ bản về da là điều rất cần thiết. Biết được cấu tạo và chức năng của làn da sẽ giúp chúng ta dễ dàng chăm sóc đúng cách hơn.
Cấu tạo của làn da
Làn da trên cơ thể của mỗi người được cấu tạo gồm 3 tầng: biểu bì, trung bì và hạ bì. Lớp ngoài cùng chúng ta có thể nhìn thấy trực tiếp và chạm vào được gọi là tầng biểu bì, tiếp đến là trung bì và hạ bì.
Theo kiến thức cơ bản về da, tầng biểu bì da mà chúng ta nhìn và chạm được bao gồm:
- Tế bào sừng: Hình thành từ quá trình phân chia tế bào ở tầng dưới biểu bì. Chúng liên tục được tái tạo và di chuyển lên bề mặt trên cùng, sau đó già dần rồi bong ra, ta thường gọi đó là da chết.
- Tế bào phẳng: Có thể nói đây là những lớp tế bào sừng kết hợp lại với nhau xuất hiện ở lớp ngoài cùng của biểu bì. Hay gọi một cách khác chính là lớp sừng, có chức năng bảo vệ da. Tuy nhiên lớp sừng này sẽ liên tục bị mài mòn và bong ra theo thời gian.
- Tế bào hắc tố: Đây là thành phần quan trọng trong tầng biểu bì, có chức năng sản sinh ra sắc tố melanin giúp da chống lại tia cực tím.
Tiếp theo, lớp dưới biểu bì được gọi là trung bì bao gồm các thành phần như:
- Tuyến mồ hôi: Đóng vai trò sản xuất mồ hôi, sau đó thông qua ống dẫn đến biểu bì và thoát ra ngoài qua lỗ chân lông. Điều này giúp cơ thể điều chỉnh được nhiệt độ phù hợp.
- Nang lông: Hiểu một cách đơn giản, nang lông chính là những vùng trũng xuống để lông mọc lên. Chúng cũng tham gia vào quá trình điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.
- Tuyến bã nhờn: Để giữ da không bị bám bụi và vi khuẩn, tuyến bã nhờn đã phải hoạt động để tạo ra một loại dầu kết hợp cùng mồ hôi sẽ tạo thành lớp màng trên bề mặt da.
Cuối cùng là lớp hạ bì, đây cũng là tầng sâu nhất của da nằm dưới tầng trung bì. Hạ bì bao gồm lớp đáy và lưới được cấu tạo từ các tế bào mỡ và mô liên kết. Chúng có chức năng giúp giảm sự tác động từ bên ngoài và làm lành vết thương nhanh chóng. Ngoài ra, hạ bì còn đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng biểu bì và loại bỏ chất thải bên trong da.
Chức năng của làn da
Tìm hiểu kiến thức cơ bản về da nhất định không thể thiếu chức năng của chúng. Làn da chiếm diện tích vô cùng lớn nên đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh khỏi những tác động từ bên ngoài. 4 chức năng chính của da bao gồm:
- Bảo vệ cơ thể: Giúp làn da tránh khỏi những tác động vật lý từ môi trường, nhiệt độ hay các tác nhân gây hại khác. Ngoài ra, da như một hàng rào bảo vệ giúp tránh những tác hại của tia bức xạ và thất thoát nước, protein.
- Điều hòa thân nhiệt: Khi nhiệt độ môi trường cao, các lớp da sẽ hoạt động, hệ thống mạch máu giãn nở và tiết ra mồ hôi làm mát. Ngược lại, khi thời tiết lạnh thì hệ thống mạch máu nằm ở tầng hạ bì sẽ thu nhỏ lại để giữ nhiệt.
- Cơ quan cảm giác: Đóng vai trò tiếp nhận trực tiếp các tác nhân bên ngoài sau đó truyền tín hiệu đến các dây thần kinh sự nóng, lạnh, đau hay áp lực khi tiếp xúc trên da. Tuy nhiên, nếu như làn da phải chịu tổn thương quá sâu thì chức năng cảm giác cũng sẽ bị ảnh hưởng.
- Hóa sinh: Da đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ trực tiếp vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Sau đó tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ gan và thận giúp canxi, phốt pho hay những yếu tố tốt cho xương được hấp thụ bình thường.
Phân loại các loại da cơ bản nhất
Một trong những kiến thức cơ bản về da mà bạn cần nắm rõ tiếp theo đó là phân loại da. Thông thường, da được chia thành 5 loại chính đó là da thường, da khô, da dầu, da nhạy cảm và da hỗn hợp. Cùng DIVA Academy phân tích đặc điểm của từng loại da ngay sau đây nhé!
Da thường
Đây có lẽ là làn da mà chị em nào cũng muốn sở hữu bởi vì chúng không có quá nhiều khuyết điểm, khỏe mạnh và rất dễ chăm sóc. Da thường sẽ không dễ bị nhạy cảm bởi các tác động xung quanh, lỗ chân lông bé hoặc ít khi nhìn thấy nhưng vẫn giữ được độ cân bằng. Người có làn da thường sẽ ít khi bị nổi mụn và không có cảm giác bị khô hoặc nhờn bóng khó chịu.
Da khô
Theo kiến thức cơ bản về da thì da khô là một trong những loại dễ nhận biết nhất. Vì da rất ít khi tiết ra bã nhờn dẫn đến tình trạng thiếu lipid giữ ẩm. Từ đó, hàng rào bảo vệ làn da cũng bị ảnh hưởng và hoạt động kém.
Người sở hữu làn da khô thường rất dễ nhận biết vì da có nhiều nếp nhăn, dễ bong tróc. Hơn nữa, da bị mất đi sự đàn hồi và xuất hiện những mảng đỏ kèm theo. Vì vậy, với những kiến thức cơ bản về da khô, hãy cung cấp dưỡng ẩm đầy đủ để da khô có được sự đàn hồi và chống lão hóa.
Da dầu
Khác với làn da khô, người sở hữu làn da dầu lại tiết quá nhiều bã nhờn, da mặt luôn trong tình trạng bóng đầu, đặc biệt ở vùng chữ T. Lỗ chân lông giãn nở liên tục khiến chúng bị to và dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Điều này tạo điều kiện để bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ gây tắt nghẽn lỗ chân lông.
Mụn trứng cá cũng chính là tình trạng nhiều người có làn da dầu thường gặp phải. Nguyên nhân là do tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, lượng dầu tiết ra qua nhiều kiến lỗ chân lông bị tắt nghẽn và mụn được hình thành từ đó.
Da nhạy cảm
Da nhạy cảm được xem là làn da “khó chiều” nhất vì chúng rất dễ kích ứng bởi nhiều yếu tố xung quanh. Có vô vàn cách nhận biết làn da nhạy cảm vì nó có rất nhiều triệu chứng khác nhau như: nổi mẩn đỏ, ngứa, đau rát, khô ráp, bong tróc hoặc là nổi mụn viêm trong thời gian dài.
Người sở hữu làn da nhạy cảm rất dễ bị kích ứng với các sản phẩm làm đẹp hoặc sự thay đổi môi trường. Do đó, bạn phải tìm hiểu những kiến thức cơ bản về da nhạy cảm và chọn sản phẩm dưỡng da phù hợp. Đồng thời có biện pháp bảo vệ da an toàn tránh tác hại từ môi trường, thời tiết.
Da hỗn hợp
Nếu sở hữu làn da hỗn hợp, bạn sẽ thấy da của mình có hầu hết các đặc điểm của 4 loại da trên đây. Da hỗn hợp có sự kết hợp giữa một số vùng da dầu và vùng da khô. Bên cạnh đó, da cũng xuất hiện các dấu hiệu của làn da nhạy cảm như: ngứa đỏ, dễ nổi mụn, phản ứng khi thời tiết thay đổi theo mùa.
Kiến thức cơ bản về da hỗn hợp cho thấy da thường đổ dầu nhiều và lỗ chân lông to ở vùng chữ T, đặc biệt là vùng mũi. Nhưng vùng da má và cổ lại khô hơn và đôi khi gặp tình trạng bong tróc da. Vì những đặc điểm này nên da hỗn hợp cần có chế độ chăm sóc đặc biệt và tùy theo từng thời điểm trong năm.
Các vấn đề về da thường gặp phải
Bên cạnh những kiến thức về da như cấu tạo và phân loại da thì chúng ta cũng cần biết rõ những vấn đề về da thường gặp phải. Từ đó có chế độ chăm sóc và phương pháp điều trị kịp thời. Những vấn đề mà da thường gặp đó là:
Mụn
Mụn là tình trạng của một loại bệnh da liễu có thể bắt gặp ở tất cả mọi người. Chúng được hình thành do lỗ chân lông tích tụ nhiều bụi bẩn và vi khuẩn. Từ đó bã nhờn không được đẩy hết ra ngoài mà đọng lại, lâu ngày gây mụn trên bề mặt da.
Một số loại mụn thường gặp nhất như:
- Mụn đầu đen: Hình thành từ dầu thừa và bụi bẩn tích tụ lâu ngày trên da. Vì mụn này có miệng hở nên các sợi bã nhờn bị oxy hóa khi tiếp xúc trực tiếp với không khí khiến đầu mụn có màu đen.
- Mụn đầu trắng: Ngược lại với mụn đầu đen, mụn đầu trắng nằm kín dưới da, làm tắt lỗ chân lông nên các vi khuẩn và bã nhờn tích tụ kẹt dưới da, tạo các đốm màu trắng.
- Mụn viêm: Hình thành cho nhiều nguyên do khác nhau, chủ yếu là da đã bị tổn thương viêm nhiễm. Khiến cho các đốt mụn ngày càng đỏ và sưng tấy gây đau nhức.
- Mụn mủ: Thoạt nhìn sơ qua sẽ lầm tưởng đây giống như mụn đầu trắng. Nhưng loại mụn này nghiêm trọng hơn vì chúng chứa mủ và nếu không xử lý đúng cách có thể để lại sẹo.
- Mụn trứng cá: Xảy ra chủ yếu do sự tắc nghẽn lỗ chân lông, tiết dầu nhờn nhiều và nội tiết tố bên trong cơ thể. Nếu không hiểu những kiến thức cơ bản về da và chăm sóc sai cách, rất có thể sẽ bị nhiễm vi khuẩn khiến đốt mụn sưng viêm, kết mủ.
Nám, tàn nhang
Từ những kiến thức cơ bản về da giúp bạn hiểu được nguyên nhân gây ra nám, tàn nhang. Từ đó tìm được phương pháp điều trị phù hợp hơn. Khi melanin có trong da liên tục sản xuất quá nhiều mà không được giải phóng khiến các hắc sắc tố sẽ tích tụ ở một số vùng như: gò má, trán, mũi, cằm gây ra nám và tàn nhang.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nguyên nhân khác từ các yếu tố bên trong như: di truyền, thay đổi nội tiết tố, lo âu căng thẳng quá độ hay do vấn đề tuổi tác lão hóa. Nám, tàn nhang xuất hiện dưới dạng đốm hoặc từng mảng có màu sắc đậm hơn vùng da khác.
Lão hóa da
Tình trạng lão hóa da là vấn đề bất kỳ ai cũng phải gặp vì theo độ tuổi lớn dần các chức năng của các mô liên kết yếu đi. Không chỉ riêng mặt, lão hóa còn xuất hiện ở nhiều vùng da khác trên cơ thể.
Tuy nhiên, vấn đề lão hóa da chúng ta vẫn có thể kiểm soát được bởi lối quen sinh hoạt hằng ngày. Việc hiểu rõ kiến thức cơ bản về da và có một chu trình chăm sóc hợp lý sẽ giúp chúng ta hạn chế được một phần lão hóa.
Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa còn được gọi là chàm (Eczema), một tình trạng bệnh da liễu nhẹ thường bắt gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể mắc phải, nếu như tình trạng kéo dài chúng sẽ tái phát định kỳ theo mùa.
Dấu hiệu nhận biết của những người bị viêm da cơ địa là những đốm mẩn đỏ gây ngứa ngáy khó chịu. Những đốm ngứa này sẽ xuất hiện khi nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng, da chưa kịp thích ứng với môi trường dẫn đến tình trạng trên.
Cách lựa chọn mỹ phẩm phù hợp với từng loại da
Với những kiến thức cơ bản về da ở trên có thể giúp bạn xác định loại da để chọn mỹ phẩm chăm sóc da phù hợp nhất. Dưới đây là một số cách chọn sản phẩm dưỡng da cho từng loại da:
- Cách chọn mỹ phẩm cho da khô: Nên lựa chọn những loại sữa rửa mặt không chứa chất tẩy mạnh, bổ sung các thành phần dưỡng ẩm như Hyaluronic, Ceramide. Tránh xa các loại kem chống nắng chứa cồn vì sẽ làm cho da khô hơn.
- Cách chọn mỹ phẩm cho da dầu: Ưu tiên chọn những loại sữa rửa mặt chứa tinh chất tràm trà hoặc thành phần Acid Salicylic để loại bỏ sạch bụi bẩn và dầu thừa. Chọn các loại kem dưỡng ẩm và chống nắng có kết cấu mỏng nhẹ, thấm nhanh không gây bết rít để tránh tình trạng bít tắc lỗ chân lông.
- Cách chọn mỹ phẩm cho da hỗn hợp: Vì tính chất da vừa khô và dầu nên chọn các sản phẩm làm sạch chứa tinh chất trà xanh, có độ pH từ 5 – 6 sẽ rất phù hợp. Ngoài ra, để an toàn hãy chọn kem dưỡng ẩm và chống nắng dạng gel mỏng nhẹ, không chứa cồn hay Paraben.
- Cách chọn mỹ phẩm cho da nhạy cảm: Da nhạy cảm rất dễ bị kích ứng, vì vậy cần tránh xa các sản phẩm chứa hương liệu, cồn và Paraben. Nếu chưa biết phân biệt các dòng sản phẩm, bạn nên mua mỹ phẩm dành riêng cho da nhạy cảm để đảm bảo an toàn nhất.
Bí quyết để có làn da khỏe mạnh, tươi tắn
Những kiến thức cơ bản về da và cách chăm sóc chúng đã được giải đáp xong. Tuy nhiên để có một làn da khỏe mạnh và luôn trong trạng thái tươi tắn, DIVA Academy sẽ mách bạn một số bí quyết sau đây:
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, ít dầu mỡ và ưu tiên nhiều rau xanh. Ngoài ra, bạn cần phải uống đủ 2 lít nước mỗi ngày và bổ sung thêm các loại vitamin cần thiết cho cơ thể.
- Đôi khi những áp lực xung quanh cũng sẽ khiến cho da bạn bị ảnh hưởng ít nhiều. Vì vậy, hãy xây dựng một thói quen sinh hoạt hợp lý như đi ngủ trước 23 giờ và nghỉ ngơi giải tỏa sau những giờ làm việc mệt mỏi.
- Tập thể dục thường xuyên cũng sẽ giúp làn da của bạn trở nên săn chắc hơn. Vì nó giúp tăng cường trao đổi chất, điều tiết mồ hôi giúp làn da được thông thoáng hơn.
Nắm rõ kiến thức cơ bản về da giúp bạn thấu hiểu làn da của mình và có những phương pháp chăm sóc hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, đừng quên kết hợp chế độ ăn uống và thói quen lành mạnh để nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh, rạng rỡ bạn nhé!
XÁC NHẬN THÔNG TIN
Hãy xác nhận thông tin để hỏi đáp và nhận được câu trả lời, tư vấn từ đội ngũ CSKH và QTV tại Học viện thẩm mỹ DIVA.